Tất nhiên, bạn sẽ không nói những điều quá khắc nghiệt như “Giá như tao chưa bao giờ sinh ra mày”. Tuy nhiên, vẫn có những câu nói khác mà bạn nghĩ là vô hại nhưng sự thật thì chúng làm tổn thương đến lòng tự trọng của trẻ hơn bạn nghĩ.
Theo cảnh báo từ tiến sĩ Lauren Goldstein của đại học Strayer, nhà tâm lý học trẻ em: Phụ huynh thường nghĩ rằng sự khắt khe trước những sai lầm của trẻ sẽ giúp trẻ tiến bộ. Thực tế những câu nói nặng nề của bạn sẽ khiến trẻ nghĩ rằng chúng không “đủ tốt”, lâu dần, khiến chúng trở nên thụ động, ngại giao tiếp.
Dưới đây là một vài câu nói được đánh giá là “một đòn giáng mạnh” vào lòng tự trọng của trẻ:
1. Ba/mẹ đang bận!
Đứa trẻ hiếu động của bạn hầu như luôn cố gắng gây sự chú ý với bạn mọi lúc, kể cả khi bạn đang bận bịu với một công việc nào đó. Nhưng bác bỏ nhu cầu của bọn trẻ sẽ khiến chúng cảm thấy chúng không được yêu thương, quan tâm, dần dần hình thành nên thói quen không chia sẻ với bạn những điều quan trọng khác.
Lời khuyên rằng: Không có nghĩa là bạn bỏ tất cả để tham gia trò chơi cùng bọn trẻ nhưng cũng không nên nói: Ba/mẹ đang bận!. Thay vào đó, hãy để bọn trẻ hiểu rằng bạn đang thực hiện một vài công việc và bạn sẽ rất vui khi giúp đỡ hay tham gia cùng chúng ngay khi kết thúc công việc.
2. Tại sao con lại làm điều đó?
Dù cho bạn có đang bối rối trước hành động của trẻ thì hỏi một đứa trẻ “tại sao” để phân tích hành vi của chúng có thể làm giảm lòng tự trọng ở trẻ và gây phản ứng ngược. Trong tình huống này, bạn nên yêu cầu trẻ nhớ rằng hãy nghĩ đến hậu quả có thể xảy ra để đưa ra quyết định cho lần kế tiếp. Hãy nói những điều đơn giản nhất và tránh ràng buộc để trẻ có thể giữ lời hứa với bạn thay vì trả lời “có” chỉ để làm hài lòng bạn.
Lời khuyên rằng: Cách đơn giản để những đứa trẻ tinh nghịch cũng phải nghe lời đó là hãy biết cách khen ngợi chúng.
3. Ba/mẹ đã nói với con như thế nào hả!
Ba mẹ thường mắc phải một sai lầm trong cách giáo dục con trẻ, đó là: ba mẹ luôn luôn đúng và con cái luôn luôn sai. Khi con của bạn đang đối mặt với thất bại, ba mẹ thường nói: Ba mẹ đã nói với con như vậy rồi, sao không nghe hả! Đó là cách nhanh nhất để “giết chết” sự tự tin của con bạn.
Lời khuyên rằng: Khi con bạn đang gặp sự cố, hãy cố gắng bình tĩnh và cùng nhau đưa ra giải pháp để giúp đỡ con.
4. Chờ cho đến khi bố về nhà !
Thậm chí khi đứa trẻ của bạn nắm kéo tóc bạn hay chơi các trò chơi “cảnh sát bắt cướp” đầy bạo lực, bạn vẫn nói: Hãy đợi bố mày về! Điều này thật tệ! Vì bạn đang vô tình biến hình ảnh của người bố trở nên xấu đi trong mắt trẻ, đồng thời, phá hoại luôn quyền lực của riêng bạn.
Lời khuyên rằng: Cố gắng giải quyết tình hình trong mọi thời điểm, ngay cả khi bạn vẫn nói với con bạn rằng ba mẹ sẽ cùng nhau quyết định về hình phạt của con sau đó.
5. Đừng lo lắng, rồi sẽ ổn thôi.
Ý định của bạn nhằm làm dịu nỗi sợ hãi và lo lắng của trẻ nhưng bác bỏ cảm xúc thực sự trong tình huống này có thể vô tình khiến tâm trạng bi quan càng nặng nề. Đứa trẻ đang phải đối diện với sự căng thẳng ban đầu, bây giờ lại phải chiến đấu thêm với nỗi sợ hãi mà bạn đang cố gắng trấn an xuống.
Lời khuyên rằng: Hãy cứ chia sẻ cảm xúc của bạn với trẻ, thể hiện rằng bạn đang đồng cảm với chúng và cùng chúng vượt qua nỗi sợ hãi.
6. Bởi vì ba/mẹ đã nói như vậy!
Đừng bao giờ bác bỏ những thắc mắc của trẻ bằng những câu nói “phủ đầu” như: Bởi vì ba/mẹ đã nói như vậy! Điều này không chỉ chạm vào lòng tự trọng của trẻ mà còn khiến trẻ ngại giao tiếp với bạn cũng như tránh tìm hiểu, khám phá những vấn đề mới.
Lời khuyên rằng: Luôn cho trẻ một câu trả lời hợp lý ngay cả khi bạn thật sự không có câu trả lời cho một vấn đề khoa học mà trẻ đang thắc mắc.
“Cẩn thận lựa chọn những từ bạn sử dụng để nói chuyện với con của bạn có thể giúp họ cảm thấy được yêu, tôn trọng và tự tin" Goldstein nói. Bởi vì trong thực tế, bạn vẫn có thể giúp xây dựng lòng tự trọng ở trẻ em của bạn mà không cần phải là một phụ huynh hoàn hảo.
Nguồn: Health.com