Kinh nghiệm giúp bé khỏe mạnh từ trong bụng mẹ

Đăng bởi Nguyễn Thế Lưu vào lúc 05/01/2018

Mẹ tăng cân hợp lý, chế độ dinh dưỡng của mẹ đủ vitamin và khoáng chất cần thiết, hạn chế những món ăn có khả năng mang mầm bệnh vào cơ thể là những kinh nghiệm giúp bé khỏe mạnh từ trong bụng mẹ mà bất cứ bà mẹ nào cũng nên biết và thực hiện tốt để bảo vệ con yêu và cơ thể mình.

Theo bác sĩ CK1 Nguyễn Thị Ngọc Hương, Nguyên Trưởng khoa Dinh dưỡng lâm sàng Trung tâm dinh dưỡng TP HCM, để bé khỏe mạnh ngay từ trong thai kỳ, mẹ bầu cần có chỉ số tăng cân đều và đủ, tích cực bổ sung các vitamin và khoáng chất cần thiết, tốt cho mẹ và bé.

Mẹ tăng cân hợp lý

Một trong những yếu tố xác định thai kỳ khỏe mạnh là sự tăng cân. Mức tăng cân trong toàn thai kỳ được khuyến nghị theo chỉ số BMI (Body mass index: chỉ số khối của cơ thể) của mẹ trước khi mang thai. BMI được tính bằng cân nặng (kg) chia cho bình phương chiều cao (m). Tùy theo BMI trước mang thai của mẹ mà mức tăng cân nên đạt như sau:

BMI nhỏ hơn 18,5: mẹ gầy và thiếu cân nên cần tăng từ 12,6 - 18 kg trong thai kỳ.

BMI từ 18,5 - 24,9: mẹ có cân nặng bình thường, cần tăng từ 11,2 - 15,7 kg trong thai kỳ.

BMI từ 25 - 29,9: mẹ đã thừa cân nên chỉ cần tăng từ 6,7 - 11,2 kg trong thai kỳ.

BMI từ 30 trở lên: mẹ bị béo phì nên chỉ cần tăng từ 4,9 - 9 kg trong thai kỳ là đủ.

Lưu ý: Cân nặng của mẹ tăng chủ yếu vào 6 tháng cuối của thai kỳ.

Để có thể tăng cân đều và đủ, năng lượng mẹ cần bổ sung cho toàn thai kỳ là 55.000 kcal. Mức năng lượng này giúp hình thành một trẻ sơ sinh có cân nặng từ 2,5 - 3,4 kg và cơ thể mẹ sẽ tích tụ 0,9 kg đạm, 3,8 kg mỡ do sự thay đổi về chuyển hóa trong cơ thể. Vì vậy, mẹ cần nạp thêm 350 đến 475 kcal mỗi ngày so với khẩu phần trước khi mang thai.

Các mức năng lượng trong thức ăn mẹ có thể tham khảo: 350 kcal tương đương với năng lượng cung cấp từ 1,5 bát cơm hoặc 300 gam khoai lang, 250 gam bánh phở, 320 gam bún tươi, 100 gam mỳ sợi, 400 ml sữa, 1 bát chè, 450 gam trái cây ngọt.

Mẹ cũng nên ăn thêm từ 10 đến 18 gam đạm mỗi ngày (tương đương với 50 gam đến 80 gam thịt hoặc cá, trứng, sữa, pho-mát, đậu) để giúp thai nhi tăng trưởng và tích tụ protein mới cho các bộ phận trong cơ thể.

Chế độ dinh dưỡng của mẹ đủ vitamin và khoáng chất cần thiết

Chất sắt: Thiếu máu do thiếu sắt sẽ dẫn đến tình trạng sinh non, nhẹ cân, mẹ và bé sẽ dễ mắc các bệnh nhiễm trùng. Vì thế, mẹ cần bổ sung mỗi ngày 30-60 mg sắt nguyên tố từ khi mang thai đến sau sinh một tháng. Mẹ nên uống viên sắt giữa các bữa ăn, không uống viên sắt với sữa, trà và cà phê.

Folic acid: Mẹ nên bổ sung folic acid càng sớm càng tốt vì ống thần kinh của bé được hình thành trong bốn tuần đầu của thai kỳ, nếu thiếu folic acid sẽ gây dị tật ống thần kinh ở thai nhi dẫn đến đến thai vô sọ, thoát vị não, màng não, hở đốt sống, gai đôi cột sống. Liều bổ sung khuyến nghị cho mẹ là 400 mcg folic acid mỗi ngày.

Canxi - vitamin D: Vitamin D và canxi cần thiết cho sự tăng trưởng xương của thai nhi và duy trì độ rắn chắc xương của mẹ. Mỗi ngày, mẹ nên tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng 20-30 phút sẽ giúp da tổng hợp đủ lượng vitamin D cần thiết.

Lượng canxi cơ thể mẹ cần được cung cấp trong thời gian mang thai là 1200 mg mỗi ngày. Mẹ nên bổ sung thêm sữa, phó mát, sữa chua, cá con ăn nguyên xương, tôm tép… vào khẩu phần, đây là những nguồn thực phẩm giàu canxi.

Omega-3: Các axit béo thuộc nhóm omega-3, đặc biệt là DHA có vai trò hoàn thiện não bộ và thị lực cho bé từ khi còn trong bụng mẹ. DHA có nhiều trong mỡ của cá hồi, cá sardin, cá thu và cá sa ba vì vậy mẹ nên ăn cá ít nhất hai lần mỗi tuần.

Tránh quá nhiều vitamin A trong khẩu phần. Tuy vitamin A cần thiết cho sự phát triển của thai nhi nhưng nếu dùng lượng lớn mỗi ngày sẽ gây hại. Do đó, mẹ cần chú ý, không nên dùng các sản phẩm chứa nhiều vitamin A, hạn chế ăn các món từ gan (pate gan) vì gan”.

Thực phẩm mẹ bầu nên tránh trong thai kỳ

Để đảm bảo an toàn cho mẹ và bé, trong thời gian mang thai, mẹ nên hạn chế những món ăn có khả năng mang mầm bệnh vào cơ thể như đồ tươi sống, món chế biến tái (cá hồi ăn sống, thịt bò tái, trứng ốp la, trứng luộc lòng đào...) hoặc món làm từ thực phẩm sống để lâu ngày.

Nguồn ngoisao.net

Tags : mang thai, phu nu mang thai, suc khoe, thai nhi
VIẾT BÌNH LUẬN CỦA BẠN:
popup

Số lượng:

Tổng tiền:

Xin chào
close nav
Danh mục
 

icon icon